Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành sản xuất công nghiệp trong quý IV ước đạt 6,86% kéo giá trị tăng thêm ngành công nghiệp cả năm 2023 tăng 3,02% so với năm trước. Tuy nhiên, đây vẫn là mức tăng thấp nhất trong vòng 12 năm qua.
Phát biểu tại Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý IV và năm 2023, Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết sản xuất công nghiệp quý IV/2023 tăng trưởng rất tích cực, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 6,86% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 3,02% so với năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 chỉ tăng 3,02% so với năm trước, là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 1 điểm % vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2023 ước tăng 3,02% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,62%, đóng góp 0,93 điểm % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,79%, đóng góp 0,14 điểm %; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,18%, đóng góp 0,03 điểm %; riêng ngành khai khoáng giảm 3,17%, làm giảm 0,10 điểm %.
Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 12/2023 tăng 3,1% so với tháng trước và tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,8% so với năm 2022 (năm trước tăng 7,1%).
Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/12/2023 giảm 1,3% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 13,9%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2023 là 87,5% (năm 2022 là 78,1%).
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/12/2023 tăng 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 2,2% so với cùng thời điểm năm trước.
Quảng Nam sụt giảm IIP mạnh nhất cả nước
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2023 so với năm trước tăng ở 50 địa phương và giảm ở 13 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm.
Một số địa phương có IIP tăng cao trong năm 2023 là Trà Vinh tăng 29,1%; Bắc Giang tăng 20,3%, Phú Thọ tăng 18,3%. Ngược lại, một địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp sụt giảm mạnh là Quảng Nam giảm 25,2%; Lai châu giảm 19,8% và Sơn La giảm 19,6%.
Riêng ngành chế biến chế tạo, hai “thủ phủ” của ngành này là Quảng Nam và Bắc Ninh đều nằm trong top 5 địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2023 giảm mạnh nhất cả nước với mức giảm lần lượt là 26,8% và 11,3%.
Doanh nghiệp dự báo quý I/2024 sẽ tích cực hơn
Tổng cục Thống kê đánh giá, hoạt động sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV/2023 đã phục hồi tích cực hơn quý III/2023 nhưng tốc độ phục hồi còn chậm.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hoạt động sản xuất kinh doanh quý IV/2023 tích cực hơn quý III/2023 với 69,6% doanh nghiệp đánh giá quý IV/2023 so với quý III/2023 tốt hơn và giữ ổn định; 30,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.
Dự báo quý I/2024 khả quan hơn quý IV/2023 với 71,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2024 so với quý IV/2023 tốt hơn và giữ ổn định (31,6% tốt hơn, 40,0% giữ ổn định), 28,4% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.
Trong quý IV/2023, hai yếu tố “nhu cầu thị trường trong nước thấp” và “tính cạnh tranh của hàng trong nước cao” vẫn là những yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn lần lượt là 58,2% và 49,8%. Yếu tố “lãi suất vay vốn cao” có tỷ lệ doanh nghiệp lựa chọn là 21,5%, giảm 5,7% so với quý III/2023.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, kết quả khảo sát quý IV/2023 cho thấy có 68,9% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý III/2023; 31,1% doanh nghiệp nhận định số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Với quý I/2024, 72,7% doanh nghiệp dự báo đơn hàng tăng và giữ nguyên so với quý IV/2023; 27,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Đánh giá về lĩnh vực này, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng do nhu cầu thế giới suy giảm tác động mạnh vào các ngành công nghiệp phục vụ cho xuất khẩu dẫn đến ngành sản xuất công nghiệp tăng rất thấp so với các năm trước.
“Bối cảnh này cũng kéo theo chỉ số tồn kho cao, gây khó khăn cho hoạt động thương mại. Đây là thách thức rất lớn của Việt Nam và khu vực trong năm tới để tháo gỡ đầu ra cho doanh nghiệp, duy trì hoạt động sản xuất”, bà Hương nhận định.
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm tiếp theo, bà Hương cho biết các doanh nghiệp kiến nghị các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ doanh nghiệp mở các lớp đào tạo nghề để nâng cao tay nghề lao động nói chung và tay nghề lao động chuyên sản xuất hàng xuất khẩu nói riêng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kiến nghị địa phương tạo điều kiện quy hoạch quỹ đất để mở rộng các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến, chế tạo cũng như đề xuất nhà nước tạo điều kiện thuận lợi trong khâu lưu thông hàng hóa trong nước và quốc tế và có các biện pháp nhằm ổn định giá nhiên liệu và năng lượng.